Lan can nhà chung cư như thế nào để bảo đảm an toàn?

Sự việc trẻ em bị rơi từ chung cư cao tầng thực tế không phải xảy ra lần đầu và nhiều người đặt câu hỏi tại sao sự việc đau lòng này vẫn diễn ra? Liệu quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam tại các chung cư cao tầng có thực sự bảo đảm an toàn, đặc biệt là cho trẻ em? 

Quy chuẩn về an toàn có an toàn?

Trả lời câu hỏi này, Thạc sĩ, Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Huy Khanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) khẳng định: Quy chuẩn, Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng các công trình cao tầng nói chung, chung cư nói riêng của Việt Nam đều có các quy định hoàn toàn bảo đảm an toàn đối với người sử dụng.

KTS Nguyễn Huy Khanh vẽ minh họa về lỗi thiết kế gây hụt chiều cao an toàn lan can.

Cụ thể, đã có 2 quy chuẩn quốc gia (được kế thừa từ các quy chuẩn, tiêu chuẩn trước đó), đó là: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 04:2019/BXD về nhà chung cư; Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng – An toàn sinh mạng và sức khỏe (đều do Bộ Xây dựng ban hành). Trong đó, QCVN 04:2019/BXD, Điều 2.2.12 nêu rõ: Rào, lan can ban công và lô gia, bao gồm cả chiều cao từ sàn đến mặt dưới lỗ cửa/bậu cửa sổ trong nhà chung cư, nhà chung cư hỗn hợp không được nhỏ hơn 1,4m. Tại QCXDVN 05:2008/BXD quy định các yêu cầu kỹ thuật phải đạt được đối với nhà ở và công trình công cộng. Trong đó, lan can tại ban công, lô gia công trình cao tầng phải bảo đảm chiều cao tối thiểu là 1,4m; có cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không bố trí các thanh ngang để trẻ tì chân trèo qua lan can). Về khoảng cách giữa các thanh ngang: Không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm.

Thứ hai, KTS Nguyễn Huy Khanh cho biết thêm: Về nguyên tắc, chiều cao chống ngã được tính bằng tối thiểu nửa chiều cao của người (nguyên tắc đòn bẩy). Ví dụ, chiều cao cho lan can dành cho người trưởng thành là 90cm, tức là tính toán với người có chiều cao trung bình 1,8m (theo tiêu chuẩn nước ngoài). Với công trình cao tầng được nâng lên 1,4m (tăng lên 60%), tức là tăng thêm 50m tương đương hệ số an toàn là k=1,6 lần.

Với trẻ em dưới 4 tuổi (chưa có ý thức an toàn) có chiều cao dưới 1m, tay chưa với tới lan can có chiều cao 1,4m. Với trẻ em từ 5-10 tuổi, tuổi đã có ý thức (sợ ngã), cao khoảng 1,4m, hệ số an toàn tính toán tối thiểu đã là k>2 lần.

“Như vậy, về lý thuyết thì số liệu của quy chuẩn là rất an toàn. Bởi việc đu bám rồi kéo người vượt qua chiều cao như vậy là rất khó, kể cả đối với thanh niên trưởng thành khỏe mạnh”, ông Nguyễn Huy Khanh cho biết.

Đâu là nguyên nhân?

Tuy vậy, KTS Nguyễn Huy Khanh thừa nhận, tại nhiều chung cư, chiều cao an toàn của lan can nhà cao tầng trên thực tế lại không an toàn như lý thuyết mà đã bị giảm đi do các nguyên nhân về thiết kế lan can.

Có 3 cách thiết kế lan can làm giảm chiều cao an toàn lan can trên thực tế, dù tổng chiều cao của lan can vẫn bảo đảm chiều cao tối thiểu theo quy định là 1,4m. Một là, dựng lan can lên trên dầm ban công hoặc tường thấp ban công do yêu cầu về thẩm mỹ thiết kế kiến trúc. Chính các dầm gờ và bệ tường này là nguyên nhân giảm chiều cao an toàn thật của lan can. Hai là lan can được thiết kế các thanh ngang do nhu cầu thẩm mỹ (tránh nhàm chán khi toàn bố trí thanh dọc) và để tăng/ bảo đảm độ ổn định ngang cho lan can. Các thanh ngang này cũng là nguyên nhân giảm chiều cao an toàn thật của lan can khi trẻ em gác chân, bám tay vào để trèo lên. Thứ ba là kết hợp cả hai loại trên làm cho chiều cao an toàn giảm đi đáng kể.

“Cũng cần phải đề cập một vấn đề của cả hai Quy chuẩn nêu trên (QCVN 04:2019/BXD và QCXDVN 05:2008/BXD) là tại nội dung này đều không có hình vẽ minh họa, gây đến sự hiểu khác nhau về chiều cao an toàn, mà thường là coi như tổng chiều cao của lan can. Do đó, các quy chuẩn này cần sớm được chỉnh sửa, bổ sung”, KTS Nguyễn Huy Khanh bày tỏ.

Bên cạnh nguyên nhân đến từ “lỗi” thiết kế trên, KTS Nguyễn Ngọc Tuấn, Công ty TNHH FIBI Design nhận định, các tai nạn đáng tiếc như trẻ rơi, ngã từ trên cao xảy ra có một phần lỗi từ người sử dụng. Ví dụ như người sử dụng kê bàn, ghế, sofa, giường sát cửa sổ dẫn đến chiều cao từ thành sofa, thành giường đến bậu cửa không còn đủ an toàn, nhất là khi cửa sổ không có chắn song hoặc lưới bảo vệ. Hoặc, người sử dụng đặt nhiều chậu hoa, bàn ghế hoặc các vật dụng có chiều cao tương đương chiều cao ghế; điều này khiến cho quy định về chiều cao an toàn lan can tại các ban công, lô gia không còn ý nghĩa.

Ban công, lô gia đẹp về mặt kiến trúc của căn hộ nhưng rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật như những quy chuẩn về xây dựng, các kiến trúc sư chia sẻ: Sự giám sát của bố mẹ là rất quan trọng để bảo đảm an toàn khi trẻ em sống trong các tòa nhà cao tầng. Phụ huynh không bao giờ để trẻ chơi ở ban công mà không giám sát. Luôn khóa cửa ra ban công, lắp khóa ở vị trí trẻ không với tới. Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi đều chui lọt qua một cửa sổ rộng 30cm. Do đó, phụ huynh nên lắp thêm lưới chắn, hoặc nan hoa cửa sổ; không kê đồ đạc nào gần cửa sổ, ban công để trẻ không thể trèo lên…


©2025 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button