Nhà chung cư có bị nồm không? Khắc phục thế nào?

Nhà mặt đất, tầng gần sát với mặt đất bị nồm ẩm sau khi ra giêng là tình trạng phổ biến ở khu vực miền Bắc. Còn các tầng 2, 3, 4 thường sẽ ít bị nồm hơn do trên cao không khí loãng, hơi nước tích tụ ít. Vậy nhà chung cư  cũng ở trên cao liệu có bị nồm không? Nếu có, làm thế nào để khắc phục?

Tại sao lại có hiện tượng nhà bị nồm ẩm?

Nồm ẩm không còn xa lạ với nhiều gia đình, nhất là ở Miền Bắc. Hiện tượng này thường diễn ra vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Nguyên nhân là do thời tiết rét, khô kéo dài khiến nhiệt độ nền nhà xuống thấp. Khi đợt gió nồm đem hơi ẩm từ biển vào, nhiệt độ bị thay đổi đột ngột dẫn đến sự tích tụ hơi nước. Do đó gây ra nồm ẩm trên sàn, tường, cửa và nhiều vật dụng trong nhà. Tình trạng này khiến cho độ ẩm không khí tăng lên bất thường và đột ngột (khoảng 75%). Có những thời điểm, độ ẩm không khí có thể đạt ở mức cực đại là 100%.

Nồm ẩm còn khiến nhiều người khó chịu bởi tần suất nó lặp lại trong năm không hề ít. Thông thường, một năm sẽ có khoảng 4 đến 5 đợt thời tiết nồm ẩm. Mỗi đợt lại kéo dài từ 2 ngày đến một tuần, thậm chỉ có lúc cả tháng trời.

Vậy nhà chung cư có bị nồm không?

Nhà chung cư tuy không nằm sát mặt đất nhưng vẫn dễ bị nồm. Ngay cả khi đó là căn hộ ở tầng trên cao, không khí loãng. Thực tế không ít hộ gia đình đã phải “méo mặt”, than vãn khổ sở vì hiện tượng nồm bao phủ căn nhà. Hiện tượng này ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt gia đình.

Nhà chung cư vẫn bị nồm, nguyên nhân có thể là:

  • Thời tiết biến đổi và khắc nghiệt khiến cho độ ẩm không khí tăng lên nhiều hơn. Dẫn đến chênh lệch nhiệt độ của mặt sàn hoặc tường nhà so với điểm sương của không khí cũng lớn hơn. Từ đó kéo theo hiện tượng nồm ẩm xảy ra ngay cả ở những căn chung cư cao.
  • Do thói quen thường xuyên mở cửa sổ hoặc bật quạt của một số hộ gia đình. Điều này khiến cho gió mang theo nhiều hơi ẩm không khí vào phòng hơn.
  • Do đa số các đồ dùng trong chung cư đều không có khả năng hút ẩm hoặc khả năng giữ nhiệt kém.
  • Do hầu hết các chung cư đều lắp đặt sàn gỗ. Dù là loại sàn gỗ công nghiệp hay sàn gỗ tự nhiên thì đều hấp thụ độ ẩm từ không khí. Vì vậy mà nhiều hộ gia đình ở chung cư đều phải chịu tình trạng nồm ẩm dù ở tầng cao trong tòa nhà.

Nhà chung cư bị nồm gây ra những bất tiện gì?

Sơn, giấy dán tường, đồ dùng trong nhà có đều bị ảnh hưởng

Trên thực tế, nồm ẩm là hiện tượng gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống sinh hoạt. Thậm chí, nhiều gia đình còn vô cùng khổ sở vì nhiều hoạt động bị đảo lộn do trời nồm. Dễ nhận thấy nhất là sàn nhà bị ẩm ướt, gây nên sự bết dính và mất vệ sinh. Chung cư thường lát sàn gỗ công nghiệp chống ồn. Nếu độ ẩm quá cao, tích tụ hơi nước lâu ngày, sàn gỗ dễ bị cong vênh, co ngót hoặc bị mốc.

Ở nhiều nơi, nền nhà còn ẩm đến nỗi khiến cho việc đi lại gặp khó khăn vì trơn trượt. Những không gian khác cũng vì nồm ẩm mà trở nên bốc mùi rất khó chịu.

Đồ dùng nội thất trong nhà

Các chung cư ngày nay đều sử dụng nhiều loại đồ nội thất với chất liệu đa dạng. Dù là chất liệu nào thì tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng do hiện tượng nồm ẩm. Ví dụ như đồ nội thất làm từ gỗ thường xuất hiện những giọt nước nhỏ li ti trên bề mặt đồ đạc. Kèm theo đó là mất màu sơn gỗ, đồ gỗ sẽ sớm bị mốc và biến dạng.

Đồ nội thất bằng vải thường sẽ bị thay đổi hoặc mất màu, xuất hiện các đốm mốc trắng do nồm ẩm. Còn đồ nội thất bằng da ngoài việc dễ bị biến đổi màu còn trở nên kém mềm mại hơn so với lúc đầu, dễ bị mủn, rách.

Sự phát triển của nấm mốc, bệnh hại

Không chỉ gây ra những cảm giác khó chịu mà nồm ẩm còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện tượng này có thể tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây hại phát triển. Nhiều loại nấm mốc cũng sẽ xuất hiện nếu nồm ẩm kéo dài hoặc mức độ nồm ẩm tăng cao.

Do trời nồm ẩm mà nhiều người đóng kín cửa khiến ngôi nhà trở nên bí bách và ngột ngạt. Đồng thời, nhà cửa nồm ẩm cũng gây ra nhiều loại bệnh về đường hô hấp rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ, nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn và gây ra nhiều đảo lộn trong cuộc sống sinh hoạt của các gia đình.

Máy móc, thiết bị có nguy cơ bị hỏng

Hiện tượng nồm ẩm cũng gây nhiều ảnh hưởng xấu đối với các máy móc, thiết bị trong gia đình. Trong đó, các thiết bị điện tử thường dễ bị hỏng và “đổ bệnh” nhất nếu gặp phải thời tiết nồm ẩm.

Tivi thường được kê sát tường nên mỗi khi trời nồm ẩm, thiết bị này sẽ nhanh chóng bị chập điện, nhòe hình hay thậm chí là không thể sử dụng được. Các loại loa khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt cũng dễ bị mốc, rỉ sét ăn mòn. Nhất là các thiết bị loa bằng gỗ sẽ thường có xu hướng bị rè âm thanh nghiêm trọng.

Ngoài ra, các loại thiết bị văn phòng, máy tính, laptop,… cũng rất dễ bị cháy và chập điện nếu bạn không biết cách bảo quản cẩn thận. Cùng với đó, ổ điện do được lắp sát tường nên có nguy cơ gây ra cháy nổ rất cao.

Ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình

Bên cạnh những ảnh hưởng đối với các thiết bị, nền nhà,… cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân cư còn bị đảo lộn. Dễ thấy nhất là do trời nồm ẩm khiến quần áo phơi mãi không khô, phải phơi trong nhiều ngày. Không ít gia đình dù đã cẩn thận sử dụng thêm máy hút ẩm hoặc máy sấy thì tình trạng quần áo lâu khô cũng không được cải thiện đáng kể. Quần áo phơi lâu khô có mùi hôi, ẩm khó chịu, dễ sinh nấm mốc, vi khuẩn gây hại.

Những cách tránh và hạn chế nồm ẩm nhà chung cư hiệu quả nhất

Nồm ẩm là hiện tượng thường gặp và khó có thể khắc phục dứt điểm. Nhưng bạn có thể áp dụng nhiều cách khác nhau để hạn chế ở mức tối đa tình trạng này. Dưới đây là một số cách thông dụng và hiệu quả nhất mà các gia đình sống trên căn hộ chung cư có thể áp dụng để cải thiện tình trạng này.

Sử dụng điều hòa và hạn chế dùng quạt

Đây có thể coi là một trong những cách hiệu quả và nhanh chóng nhất đối với nhiều gia đình sống trên chung cư. Bbạn chỉ cần bật điều hòa ở chế độ khô. Điều này sẽ giúp hút độ ẩm không khí trong nhà rất tốt.

Hơn nữa, sử dụng điều hòa với chế độ khô còn giúp tăng cường sự lưu thông không khí trong căn hộ. Nhờ vậy mà đảm bảo không ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe của các thành viên, nhất là trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, bạn nên hạn chế hoặc ngưng sử dụng quạt để làm mát. Bởi việc sử dụng quạt sẽ khiến cho không khí trong nhà trở nên ẩm ướt hơn.

Dùng máy hút ẩm

Không chỉ có điều hòa mà máy hút ẩm cũng là trợ thủ đắc lực giúp hạn chế hiện tượng nồm trong nhà. Cách này tương đối phù hợp với những gia đình không muốn sử dụng điều hòa hoặc chưa có điều kiện sắm điều hòa. Hơn nữa, máy hút ẩm có khả năng hút ẩm hiệu quả và thích hợp sử dụng cho những không gian kín như căn hộ chung cư.

Đóng kín cửa để hạn chế nồm ẩm

Nhiều hộ gia đình ở chung cư có suy nghĩ sai lầm rằng trời nồm thì nên mở cửa để gió thổi vào giúp giảm nồm ẩm. Tuy nhiên, việc mở cửa sẽ khiến cho gió mang theo nhiều hơi ẩm vào hơn. Điều này cũng có nghĩa là nhà bạn sẽ bị nồm nhiều hơn. Vì vậy, để tránh nồm ẩm, hãy đóng kín các cửa. Kết hợp sử dụng các thiết bị hỗ trợ hút ẩm như điều hòa, vật liệu hút ẩm để giảm tình trạng nồm khó chịu.

Thường xuyên lau nhà

Lau nhà là cách phổ biến và dễ thực hiện với nhiều người. Để hạn chế nồm ẩm, bạn nên sử dụng giẻ lau nhà khô và lau đi lau lại nhiều lần. Mặc dù đây là cách khá tốn thời gian và công sức nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả ngay tức thì. Bạn cũng có thể kết hợp lau nhà với bật máy điều hòa ở chế độ khô hoặc bật máy hút ẩm để tăng thêm hiệu quả.

Lựa chọn các vật liệu hút ẩm cho gia đình

Không chỉ các thiết bị hiện đại mới giúp giải quyết tình trạng nồm ẩm. bạn Các loại vật liệu hút ẩm đơn giản cũng có thể giúp bạn giải quyết vấn đề. Hầu hết chúng đều có giá thành khá rẻ như: than, củi nhỏ, vôi,… Với than củi, bạn nên để khô chứ không đốt. Hãy đặt chúng ở những nơi dễ bị ẩm mốc như cửa ra vào, gần bếp, gần nhà vệ sinh,…

Đối với vôi, bạn cần mua một lượng khoản từ 10-15 kg vôi sống. Sau đó, cho vôi vào thùng hoặc chậu và đặt dưới gầm giường, góc phòng hoặc những nơi dễ ẩm ướt.

Sử dụng báo giấy để hạn chế nồm ẩm

Báo giấy có tác dụng hút ẩm rất hiệu quả với khả năng thấm nước nhanh. Nó sẽ ngay lập tức thấm hút toàn bộ hơi nước trên bề mặt, giữ cho sàn nhà của bạn khô thoáng hơn. Vì vậy, bạn có thể đặt thêm một số tờ báo ở những nơi có tình trạng nồm ẩm cao như cửa ra vào hay khu vực bồn bếp, cửa phòng tắm,… Phương pháp này cực kỳ tiện lợi trong những ngày nồm ẩm kéo dài mà thảm lau của gia đình vẫn chưa kịp khô.

Sử dụng các hộp hút ẩm cho tủ quần áo

Nồm ẩm không chỉ khiến cho quần áo lâu khô mà còn rất dễ bốc mùi, gây khó chịu khi sử dụng. Do đó, bạn nên mua các hộp hút ẩm và đặt ở gần nơi đựng quần áo hoặc bất cứ vị trí nào trong nhà. Chúng sẽ có tác dụng trong khoảng thời gian từ nửa tháng đến một tháng. Trong khi đó, mức giá thành lại tương đối rẻ, chỉ từ 40.000Đ – 50.000Đ/hộp hút ẩm.

Sử dụng nước nóng để chống mốc trong thời tiết nồm ẩm

Hiện tượng nồm ẩm dễ khiến cho nhiều vật dụng trong nhà bị mốc, nhất là các sản phẩm làm từ gỗ hoặc tre. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể sử dụng nước nóng để vệ sinh các đồ dùng hằng ngày. Ví dụ như bạn nên tráng bát đĩa bằng nước nóng trước khi xếp lên giá bát. Việc này sẽ giúp bát đĩa cũng như nhiều đồ dùng khác không bị mốc khi trời nồm ẩm.

Sử dụng nến để giảm nồm ẩm

Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên với công dụng tuyệt vời này của nến. Nhưng đây cũng là một cách rất thú vị và tiện lợi mà bạn nên thử để giảm nồm ẩm cho căn hộ chung cư của mình.

Cụ thể, bạn cần sử dụng các loại nến thơm và đốt lên để giảm độ ẩm trong phòng. Nến thơm cũng giúp khử mùi hôi, mốc khó chịu và mang lại không gian lãng mạn cũng như cảm giác thoải mái cho gia đình bạn.

Sử dụng tinh dầu thơm

Cũng giống như nến thơm, tinh dầu có tác dụng trong việc khử mùi cho căn phòng. Tinh dầu thơm thường có nhiều loại mùi đa dạng khác nhau để bạn lựa chọn. Một số mùi phổ biến và dễ sử dụng mà bạn có thể tham khảo như mùi chanh, mùi hoa oải hương, mùi hoa hồng,…

Để đồ điện tử trong chế độ chờ

Việc để các thiết bị ở chế độ chờ sẽ giúp hạn chế tối đa sự xâm nhập của hơi ẩm. Từ đó, giảm tình trạng chập điện hoặc hỏng khi sử dụng thiết bị. Ngoài ra, bạn cũng có thể cất chúng vào các túi hút ẩm hoặc hộp giấy để bảo quản nếu như không thường xuyên dùng.

“Trốn” nhà mặt đất lên chung cư để thoát nồm. Thế nhưng thực tế, nhà chung cư vẫn hoàn toàn có thể bị nồm do độ ẩm cao. Đặc biệt vào thời điểm cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Nếu cũng đang gặp phải tình trạng này, gia chủ có thể tham khảo và áp dụng một vài gợi ý khắc phục ở trên.


©2024 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button