Chung cư cần ‘sử dụng có thời hạn, sở hữu vô thời hạn’

‘Việc đánh đồng quyền sở hữu chung cư với thời hạn sử dụng công trình sẽ chỉ làm nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực cho phát triển nhà ở’.

Tại tờ trình gửi Chính phủ ngày 8/4, Bộ Xây dựng – cơ quan soạn thảo dự Luật Nhà ở (sửa đổi) đề nghị Chính phủ không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Lý do Bộ này đưa ra, đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến xã hội, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Đồng tình với quan điểm của Bộ Xây dựng, độc giả Tobicom nhận định: “Nút thắt ở đây là quy định khi chung cư khi hết thời hạn sử dụng, thì công trình sẽ phải giải quyết như thế nào, tập trung tìm giải pháp cho vấn đề này mới là quan trọng. Việc đánh đồng quyền sở hữu với thời hạn sử dụng công trình không những không giải quyết được nút thắt nêu trên mà còn sinh ra nhiều hệ lụy tiêu cực hơn đối với việc phát triển nhà ở, ổn định và nâng cao đời sống xã hội”.

Ủng hộ Chính phủ không quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn, bạn đọc Tadinhphung cho rằng: “Làm vậy là hợp lý vì liên quan đến quyền lợi của chủ tài sản nên chưa quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Song, chúng ta cũng nên quy định sau khoảng 60-70 năm sử dụng thì chính quyền cấp tỉnh sở tại sẽ thành lập hội đồng thẩm định để đánh giá mức độ an toàn hoặc xuống cấp của chung cư, từ đó xem xét công trình còn sử dụng được bao nhiêu năm nữa?

Đến thời hạn, nếu xét thấy không an toàn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc thành phố có thể quyết định việc sửa chữa hoặc phá dỡ xây mới lại bằng phương án cụ thể, có lợi cho các hộ sống trong chung cư đó. Ví dụ, trong quá trình xây dựng lại, tỉnh hoặc thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm trong khi chờ chung cư xây mới. Chủ các căn hộ, tùy diện tích có trước khi phá dỡ, sẽ đóng góp chi phí tương ứng với diện tích đã sở hữu trên cơ sở tổng dự toán chia cho diện tích xây dựng.

“Hoan nghênh Bộ Xây dựng đã lắng nghe ý kiến nhân dân trong vấn đề sở hữu nhà chung cư – khi mà chung cư ở đô thị là hướng đi tất yếu cho tương lai, và cũng để phân định rõ ràng giữa căn hộ thương mại và căn hộ dịch vụ (condotel, officetel, căn hộ nghỉ dưỡng). Hiện nay, các căn hộ chung cư đều phải trích 2% giá trị căn hộ để nộp vào quỹ bảo trì và Ban quản lý, Ban quản trị tòa nhà sẽ sử dụng quỹ này để bảo trì thường xuyên các trang thiết bị hoặc sơn sửa thì chất lượng chung cư sẽ được duy trì lâu dài hơn. Tuy nhiên, Bộ cũng cần đưa vào các quy định, chế tài để trường hợp cần sửa chữa hoặc tháo dỡ chung cư xây lại cho hợp lòng dân và người sở hữu căn hộ”, độc giả Bquangminh bổ sung thêm.

Trong khi đó, lo lắng về vấn đề chất lượng công trình nếu không quy định sở hữu chung cư có thời hạn, bạn đọc Kevin chia sẻ: “Tôi sẽ không bao giờ mua chung cư không có thời hạn sở hữu. 50-60 năm sau, khi chung cư sẽ xuống cấp, nguy hiểm, kiến trúc và vật liệu xây dựng chắc chắn đã lạc hậu, nhưng chỉ cần vài hộ không chịu đóng tiền xây lại thì cũng không làm gì được họ. Cứ nhìn xem có những dự án đền bù hơn chục năm chưa xong vì có vài hộ không hợp tác, có ngôi nhà nằm chình ình giữa đường mà không sao xử lý được, thì hỏi làm sao xử lý được chung cư không quy định thời hạn sở hữu?

Đó cũng là lo lắng của độc giả Nguyễn Huy Tùng: “Rồi đến lúc chung cư cũ, hỏng, lúc đó vận động người dân làm sao để 100% số hộ đồng ý đóng tiền sửa chữa, xây mới? Vì đâu phải ai cũng sẵn tiền để đóng góp ngay lập tức. Cứ nhìn mấy tập thể cũ khó giải tỏa tại Hà Nội thì biết, toàn người già bảo họ góp tiền xây chung cư mới thì họ lấy đâu ra?”.

Theo vnexpress


©2024 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button