Đề xuất không xây chung cư cao tầng trong vòng 10km ở trung tâm Hà Nội

ĐBQH đề nghị trong quy hoạch sử dụng đất ở những tỉnh, thành phố lớn, vùng lõi trong bán kính 10km tuyệt đối không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng thương mại, gây áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng.

Ngày 21/6, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày để thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Cuối ngày, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ thay mặt cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trong báo cáo dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội hôm 20/6, Bộ Tài nguyên và môi trường đã làm rõ nhiều đề xuất của đại biểu liên quan dự án luật này.

Cần cơ chế thu hồi đất với trường hợp thỏa thuận được 70-80%

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có ý kiến đề nghị đối với quy hoạch sử dụng đất ở những tỉnh, thành phố lớn, đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, những vùng lõi trong bán kính khoảng dưới 10km tuyệt đối không quy hoạch nhà ở chung cư cao tầng thương mại nằm giữa trung tâm vùng lõi, gây áp lực rất lớn cho cơ sở hạ tầng.

Thay vào đó, chỉ ưu tiên cho việc xây dựng những công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh. Ý kiến này đề nghị kiên quyết đưa ra khỏi trung tâm thành phố lớn các nhà máy, trường đại học…

Theo cơ quan soạn thảo, phạm vi quy hoạch sử dụng đất chỉ xác định và khoanh vùng các khu vực phát triển đất ở, còn việc xác định quy mô, tầng cao các chung cư thuộc phạm vi quy hoạch xây dựng.

Đối với việc quy hoạch các công trình công cộng, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, công viên cây xanh hay di dời các nhà máy, trường đại học ra khỏi trung tâm thành phố lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích đây là nội dung được xác định, quy định trong các nhiệm vụ lập quy hoạch để thực hiện các mục tiêu cụ thể của từng đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM.

Cũng theo cơ quan soạn thảo, có ý kiến đề nghị cần có cơ chế thu hồi đối với đất cho phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại… hoặc có cơ chế Nhà nước hỗ trợ trong trường hợp chủ đầu tư không thể thỏa thuận hết được với các chủ sử dụng đất.

Ngoài ra, có đề nghị cần cơ chế thu hồi đất đối với trường hợp thỏa thuận được 70-80%, đặc biệt đối với dự án nhà ở thương mại. Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định thu hồi đất nhưng cho các doanh nghiệp phải thỏa thuận với người dân để lợi ích của người bị thu hồi đất được bảo đảm.

Theo giải trình của cơ quan soạn thảo, việc chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất để có đất thực hiện dự án là thỏa thuận mang tính dân sự. Nếu Nhà nước can thiệp bằng biện pháp thu hồi đất với các trường hợp không thỏa thuận được, là không phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Mặt khác, thực hiện như vậy sẽ dẫn tới việc so bì giữa người bị thu hồi đất và người đã thỏa thuận nên dễ dẫn tới khiếu kiện.

Đề nghị quy định bồi thường về đất phải cao hơn giá đất thị trường

Về chính sách bồi thường, có ý kiến đề nghị quy định cho phép người có đất ở bị thu hồi được lựa chọn hình thức bồi thường bằng đất hoặc bằng tiền, và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tôn trọng lựa chọn đó.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết khoản 2 Điều 90 dự thảo Luật đã có quy định nguyên tắc, thứ tự ưu tiên hình thức bồi thường. Theo đó, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền.

Theo cơ quan soạn thảo, quy định này là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, đảm bảo quyền và lợi ích cho người có đất thu hồi.

Đáng lưu ý, có ý kiến đề nghị quy định bồi thường về đất phải cao hơn giá đất thị trường hoặc kèm theo những lợi ích khác. Nếu thu hồi đất thực hiện dự án kinh doanh, thương mại, cần xem xét cho người bị thu hồi đất được mua cổ phiếu, cổ phần trong dự án đó để họ được đầu tư lâu dài từ giá trị đất của họ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay dự thảo Luật đã quy định người có đất thu hồi ngoài việc được bồi thường ngang giá trị còn được hưởng các khoản hỗ trợ như: hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư…

Dự luật cũng bổ sung quy định bồi thường bằng đất khác với điều kiện địa phương có quỹ đất và người sử dụng đất có nhu cầu để đảm bảo người dân có tư liệu sản xuất, có tài sản ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.

Còn về việc dùng tiền bồi thường để mua cổ phiếu, cổ phần trong dự án thu hồi đất, theo cơ quan soạn thảo, là thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người có đất thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, Nhà nước không can thiệp vào thỏa thuận dân sự này.


©2024 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button