Chung cư mini: Không nên cấm mà phải quản cho tốt

Ứng xử như thế nào đối với chung cư mini đang là vấn đề được đặt ra sau vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bởi lẽ, mô hình này phổ biến, nhưng tại các văn bản pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản lại chưa từng đề cập đến khái niệm này.

Được biết, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào tháng 11/2023 cũng đã đề xuất hợp pháp hóa loại hình này dưới cái tên là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ ở của hộ gia đình, cá nhân”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã lại đề nghị Ủy ban Pháp luật của Quốc hội rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với quan điểm không hợp thức hoá chung cư mini.

Để có cái nhìn đa chiều hơn về loại hình nhà ở này, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Khánh Quang, chuyên gia về bất động sản, Tổng giám đốc công ty Việt An Hòa.

PV: Trước việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây đã đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với quan điểm không hợp thức hoá chung cư mini trong luật này. Ông có cái nhìn như thế nào về việc này?

Ông Trần Khánh Quang: Theo tôi đánh giá, việc chung cư mini phát triển là quy luật tất yếu. Chúng ta thấy là ở những trung tâm, thành phố lớn, không những ở Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới đều có mật độ dân cư ngày càng cao, phát sinh nhu cầu về nhà ở rất lớn.

Sự phát triển đô thị có chia ra nhiều cấp bậc, dành cho những người giàu có, dành cho những người trung bình, dành cho những người thu nhập thấp. Như vậy phát sinh ra những loại hình bất động sản phù hợp theo từng đối tượng đó, đặc biệt là cái mà chúng ta hay nói là “chung cư mini”. Nhưng thật ra thì đó là một căn hộ cho thuê bình thường thôi.

Mặc dù chúng ta thấy rõ chung cư mini là kém an toàn, nhưng đó lại là nhu cầu thực của những đô thị. Nhu cầu có, mà nhu cầu có thì chắc chắn là nó phải tồn tại. Vấn đề đặt ra là tồn tại như thế nào? Theo ý kiến riêng cá nhân tôi chúng ta không nên cấm hình thức này, mà vấn đề là chúng ta phải quản lý như thế nào cho tốt.

PV: Vậy ông có đề xuất gì về giải pháp, để có thể quản lý tốt hơn loại hình nhà ở này?

Ông Trần Khánh Quang: Khi một chung cư mini được xây lên thì cần rất nhiều yếu tố. Thứ nhất đó là giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng nó phải chuẩn về tiêu chuẩn sống của người dân.

Chúng ta phải phân biệt rõ, khi sống ở một căn nhà có một hộ gia đình nó khác, và chung cư mini có đến 30-40 hộ, thậm chí cả trăm hộ như vậy thì sẽ khác. Về hạ tầng, về cơ sở vật chất của nó cũng sẽ khác, và đặc biệt quan trọng nhất đó là an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Thứ hai đó là về xây dựng, thì đơn vị xây dựng phải rõ ràng và phải xây đúng theo giấy phép xây dựng, chứ không thể xây theo ý của chủ nhà được. Hiện nay chúng ta đang bỏ ngỏ ở chỗ này, là  đơn vị xây dựng.

Thứ ba là chúng ta đang không rõ ràng, minh bạch, như thế nào là kinh doanh, như thế nào là cá thể. Ví dụ, nếu là một hộ kinh doanh, có thể kinh doanh 10 căn, 20 căn thì tôi nghĩ nó hợp lý. Còn hiện nay chúng ta thấy chung cư mini, một hộ, một cá nhân mà đi kinh doanh cả trăm căn như vậy thì rõ ràng là năng lực không đủ.

Theo tôi nghĩ buộc phải thành lập pháp nhân để xử lý việc này. Thành ra việc kiểm soát ở đây về mặt cấp giấy phép, ngoài giấy phép về xây dựng chúng ta phải cấp giấy phép về kinh doanh.

Cái thứ tư là chúng ta phải xây dựng một cái quy chuẩn về cái hình thức căn hộ chung cư mini sau này nếu mà chuyển qua pháp nhân gì đó, phải một cái tiêu chuẩn về phòng cháy rõ ràng và ổn định. 

PV: Xin cảm ông.

Theo vovgiaothong


©2025 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button