Khi nào được tăng giá dịch vụ quản lý nhà chung cư?
Chung cư nhà anh Trí đã bàn giao được hai năm nhưng chưa tổ chức hội nghị chung cư lần đầu, trong khi chủ đầu tư đã “ngấp nghé” tăng giá dịch vụ cao hơn cam kết hợp đồng.
Trong thư gửi về VnExpress, anh Đức Trí nêu mức phí cũ của chung cư mình là 6.000 đồng/m2/tháng, còn hợp đồng mua nhà nêu, các dịch vụ thu không quá 8.000 đồng/m2.
Chung cư được bàn giao cho hơn 250 hộ dân từ năm 2020 nhưng đến nay chủ đầu tư chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Anh cùng cư dân mong muốn được giải đáp “việc chủ đầu tư tăng giá dịch vụ trái hợp đồng, khi chưa tổ chức hội nghị chung cư lần đầu, có đúng luật?”.
Phần lớn độc giả tham gia thăm dò trên VnExpress đều cho rằng, hành vi này của chủ đầu tư là sai luật.
Giải đáp câu hỏi của anh Trí, luật sư Nguyễn Đại Hải (Công ty luật TNHH Fanci) cho hay, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được pháp luật quy định như sau:
– Nếu chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở;
– Nếu đã tổ chức được hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư do hội nghị nhà chung cư quyết định (khoản 3, Điều 106 Luật Nhà ở năm 2014).
Do khu chung cư chỗ anh Trí ở chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư, luật sư Hải nêu, giá dịch vụ vận hành nhà chung cư thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà của bạn với chủ đầu tư, tức với mức giá dịch vụ không quá 8.000 đồng/m2/tháng, như anh Trí đề cập. “Việc chủ đầu tư tự ý tăng phí dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư lên 10000đ/m2 là trái với quy định của pháp luật”, luật sư cho hay.
Về thời điểm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu: Bộ Xây dựng quy định, trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được bàn giao đưa vào sử dụng và có 50% căn hộ được bán trở lên (kể cả số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại) thì chủ đầu tư (đối với nhà chung cư nhiều chủ sở hữu) hoặc chủ sở hữu (đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu) có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.
Nếu nhà chung cư không xác định được chủ đầu tư thì đơn vị đang quản lý nhà chung cư đó hoặc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm chủ trì tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. (Khoản 2 Điều 11 Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, ban hành kèm Quyết định 08/2008/QĐ-BXD)
Luật sư Hải khuyên anh Trí xem lại thời gian chủ đầu tư bàn giao căn hộ đưa vào sử dụng và số căn hộ chủ đầu tư đã bán. Nếu đủ điều kiện theo quy định trên anh và các cư dân có thể yêu cầu chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu.
“Hội nghị chung cư lần đầu rất quan trọng để bầu Ban quản trị của nhà chung cư nơi bạn ở. Ban quản trị sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người sử dụng nhà chung cư trong việc sử dụng nhà chung cư, trong đó có việc đề nghị hội nghị nhà chung cư thông qua phí dịch vụ vận hành quản lý nhà chung cư”, luật sư nêu.
Theo VnExpress