Kinh nghiệm chọn mua chung cư lần đầu
Chọn mua được một căn hộ chung cư tốt không phải chuyện dễ dàng, nhất là những người trẻ lần đầu mua nhà. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những điều cần làm khi chọn mua căn hộ chung cư mà không phải ai cũng biết.
Khác với hầu hết các hàng hóa khác, bất động sản là một mặt hàng có giá trị cao nên rất khó mua và cũng khó bán bởi tính thanh khoản và độ lớn của tài sản khi cần quyết định.
Trong thời buổi giá cả thị trường bất động sản thay đổi liên tục đến “chóng mặt”, việc chọn mua một căn hộ chung cư tốt là điều khá khó khăn. Dưới đây là một số chia sẻ kinh nghiệm xương máu khi chọn mua nhà chung cư.
Kinh nghiệm về việc chọn chủ đầu tư dự án khi chọn mua chung cư
Lựa chọn chủ đầu tư dự án là yếu tố quan trọng nhất khi bạn chọn mua nhà chung cư. Có rất nhiều người mua nhà chung cư hiện nay gặp vấn đề liên quan đến chủ đầu tư. Một số vấn đề thường gặp ở phía chủ đầu tư như: Tiến độ thi công và tiến độ bàn giao chậm; hoặc bỏ hẳn không xây; bán nhà kiểu “vịt trời”; huy động góp vốn một giá, nhưng khi lên hợp đồng một giá khác; chất lượng xây dựng cẩu thả; thu phí quản lý giá trên trời … hiếm ai không gặp những tai nạn trên. Một chủ đầu tư tin cậy cần có các yếu tố sau:
– Có kinh nghiệm xây dựng và quản lý các khu đô thị đã đi vào hoạt động. Hãy nhìn các khu đô thị, các dự án đang được thị trường đón nhận tích cực để tìm cho mình một chủ đầu tư uy tín.
– Giá gốc của căn hộ ghi trên hợp đồng mua bán phải sát với giá thị trường. Đừng ham các chủ đầu tư đưa ra các căn hộ có giá gốc thấp. Thị trường bất động sản tại các khu đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội hiện nay có thể khẳng định những dự án chung cư thương mại chưa hoặc mới khởi công mà có giá gốc chỉ trên dưới 10 triệu/m2 là khó khả thi, bởi sự trượt giá về giá thành xây dựng. Khách hàng nên nhớ “của rẻ bao giờ cũng đi liền chữ ôi”.
– Có tiềm lực tài chính vững mạnh và khả năng tự xây dựng tốt hoặc phải có sự hợp tác với các tổng thầu thi công uy tín để đảm bảo chất lượng công trình nhà chung cư.
– Chủ đầu tư trực tiếp bán hàng hoặc gián tiếp bán hàng qua các sàn phân phối uy tín mà họ liên kết, nhằm đưa những sản phẩm tốt nhất của họ đến khách hàng. Việc này có lợi ích lâu dài tới tận khi bạn nhận nhà, đóng thuế, làm sổ đỏ vì có quy định căn hộ giao dịch qua sàn thì thủ tục đóng thuế, làm sổ đỏ mới nhanh chóng và thuận lợi…
– Chủ đầu tư ngoài việc xây dựng nhà để bán cho khách hàng, bản thân họ còn giữ lại một phần và sử dụng chính những sản phẩm họ bán ra, đây là yếu tố quan trọng, khẳng định việc quản lý, thu phí, xây dựng hạ tầng… lâu dài và chung sống cùng khách hàng
– Chủ đầu tư được nhiều ngân hàng lớn liên kết và hỗ trợ bảo lãnh. Hãy ghé qua sàn của chủ đầu tư, nếu bạn thấy nhiều ngân hàng có đại diện trực tiếp hỗ trợ khách hàng vay trả góp thì bạn cũng rất yên tâm. Các ngân hàng có bộ phận thẩm định và đánh giá năng lực chủ đầu tư tốt hơn chúng ta nhiều…
Kinh nghiệm đánh giá vị trí, hạ tầng dự án khi chọn chung cư
Hạ tầng của một khu chung cư thường có vô vàn yếu tố khiến bạn phải quan tâm. Theo đó, yếu tố đầu tiên chính là vị trí. Từ vị trí, ta có mối tương quan với hạ tầng có sẵn của các khu đô thị và phường xóm lân cận. Yếu tố quan trọng nhất mà bạn phải đặc biệt quan tâm đó là khoảng cách từ chung cư tới vị trí làm việc thường xuyên của bạn, khoảng cách với các trường học cấp 1-2-3 mà con bạn đã/sẽ học.
Có thể thấy hiện nay rất nhiều khu chung cư có thiết kế rất đẹp và hạ tầng nội khu rất ổn, nhưng để đi làm và con cái đi học lại là một vấn đề rất lớn, kể cả khi bạn có xe hơi. Hãy tưởng tượng một năm mỗi người phải tiêu xài 700 tiếng đồng hồ cho việc đi trên đường và chờ đợi khi tắc đường, cộng thêm chi phí xăng xe và hao tổn sức khỏe… Vài chục năm như thế, cái giá lượng hóa phải trả không dưới con số hàng tỷ đồng. Đây cũng là lý do tại sao các căn hộ chung cư cũ dù rất cũ nát hoặc mới tinh tươm trong bốn quận nội đô lại có khoảng cách giá dữ dội khi so với các khu đô thị mới ven đô.
Bạn hãy tự mình đặt ra các câu hỏi sau về hạ tầng và đánh dấu cho điểm, nếu đạt 70% yêu cầu là bạn có thể đã tìm được một khu chung cư ưng ý:
– Vị trí tương quan với cả khu vực và trung tâm thành phố thế nào? Tương lai vị trí này có phát triển không? Thuận tiện về giao thông cho việc đi làm, đi học của đa số thành viên trong gia đình hay không?
– Hạ tầng thiết yếu đảm bảo cuộc sống hàng ngày: điện, đường, trường, trạm, nước sạch, chợ, bệnh viện, công viên, các tiệm ăn, dịch vụ hành chính công… có đầy đủ và thuận lợi không?
– Hạ tầng môi trường: gần sông, hồ nước sạch, cách xa khu công nghiệp, khu dịch vụ, không gian yên tĩnh, môi sinh trong lành, nhiều cây xanh, có hồ điều hòa, có nhiều khoảng không công cộng không?
– Hạ tầng nhân sinh: cộng đồng công dân có văn minh, đồng đều văn hóa và lối sống hay gần khu dân cư phức tạp, tụ điểm tệ nạn không?
– Hạ tầng văn hóa, tâm linh: có gần trung tâm văn hóa, nơi thể thao giải trí, hồ bơi … không?
– Hạ tầng tương lai: quy hoạch chung tổng thể khu đô thị và các khu lân cận có hài hòa, phát triển không?
– Hạ tầng phong thủy: nền đất khu vực có lành, quá khứ có từng là bãi tha ma, nghĩa trang di dời, gần bệnh viện truyền nhiễm, cuối nguồn sông nước thải, nền địa chất có ổn định không?
– Hạ tầng an ninh: khu vực có tình hình trị an, công an phường/xã có mạnh, các tổ chức đoàn thể có hoạt động thường xuyên không?
– Hạ tầng nội bộ: phí sinh hoạt hàng tháng, đội ngũ quản lý tòa nhà, quy củ và quy định của của ban quản trị, chỗ gửi xe, nơi sinh hoạt chung…
Phải xét nhiều yếu tố và tự thống kê cho điểm, thứ tự ưu tiên sẽ là: Giao thông => Điều kiện thiết yếu => An ninh trật tự => Văn hóa => Môi sinh.
Có nhiều yếu tố bạn có thể tự tìm hiểu qua mạng, bản đồ, văn phòng môi giới, báo chí, bạn bè… nhưng cũng có những yếu tố đích thân bạn phải tự khảo sát trên thực địa. Cách thức hiệu quả là hãy dành thời gian ngồi tại các quán nước hay gặp gỡ một và người dân đang sống tại khu đô thị mà bạn định mua để trò chuyện, hỏi đáp là cách hiệu quả và chính xác nhất.