Làm thế nào để phòng ngừa rủi ro cho trẻ ở chung cư cao tầng?

Chỉ một phút giây lơ là, bất cẩn của người lớn cộng với sự hồn nhiên, hiếu động của trẻ nhỏ, tai nạn có thể ập đến.

Cẩn trọng khi trẻ ở chung cư cao tầng

Với những gia đình sinh sống ở các tòa chung cư cao tầng, mỗi dịp hè về, trẻ con được nghỉ hè, thời gian vui chơi ở nhà nhiều hơn nên vấn đề an toàn chung cư lại rất cần được quan tâm.

Sau rất nhiều vụ việc rất thương tâm do trẻ bị mắc kẹt hay rơi từ nhà cao tầng, các gia đình có trẻ nhỏ, cần hết sức cẩn trọng khi sống ở các tòa chung cư.

Một bé gái bò ra lan can, treo mình ở tầng 12 rồi rơi tự do xuống đất. Rất may cháu bé được 1 nam thanh niên phía dưới đỡ được và thoát nạn. Sự việc xảy ra cách đây ít lâu trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Xem lại hình ảnh này và rất nhiều vụ tai nạn rất thương tâm xảy ra thời gian vừa qua với trẻ nhỏ ở chung cư cao tầng, bà Liên cho rằng trẻ con, nhất là những bé dưới 6 tuổi, hồn nhiên, ngây thơ, chưa thể ý thức và hiểu được lời dặn dò của cha mẹ. Chính bởi vậy, gia đình phải luôn theo dõi, sát sao con em mình.

Hiện nay, nhiều chung cư cũ ở các thành phố lớn, ban công, cửa sổ chỉ nhìn qua cũng đã thấy không đảm bảo an toàn. Nguy hiểm cũng có thể xảy ra với trẻ nhỏ ở ngay cả các chung cư mới, được xây dựng đúng quy chuẩn, có chiều cao lan can không thấp hơn 1,4m tính từ mặt sàn, khoảng cách giữa khe 2 chấn song không lớn hơn 10cm. Nguyên nhân là do tại các khu vực này nhiều gia đình thường hay trang trí chậu hoa hay tận dụng làm nơi kê đồ đạc. Đây cũng là thực trạng phổ biến ở các tòa chung cư trên địa bàn TP. Bắc Giang.

Lực lượng chức năng cũng cho rằng, các gia đình ở chung cư nên hết sức cẩn trọng, đề phòng rủi ro xảy ra với trẻ nhỏ. Vì đối với nhà cao tầng, việc triển khai cứu nạn cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn, do đa số các trường hợp bị nạn đều ở tầng cao, vượt tầm thang cứu hộ.

Từ các vụ tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ nhỏ, các chuyên gia xây dựng cũng bày tỏ quan điểm cần siết chặt hơn vấn đề đảm bảo an toàn chung cư.

Phòng ngừa rủi ro cho trẻ ở chung cư cao tầng

Lắp lưới thép là cần thiết để đảm bảo an toàn nhưng lắp như thế nào để nếu cần có thể tháo lắp để di chuyển người bị nạn? Cùng với đó là từng gia đình cũng nên trang bị cho mình những kiến thức, đôi khi chỉ là đi cùng con để đảm bảo an toàn cho con trẻ ngay trong khu chung cư.

Theo các lực lượng chức năng, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, cần lưu ý một số điểm sau:

  • Ở các khu vực ban công, lô gia, cửa sổ, các gia đình không nên kê nhiều đồ đạc vì bản tính trẻ hiếu động có thể leo trèo lên những đồ vật đó rồi thò đầu, vươn người ra ngoài ban công cửa sổ.
  • Luôn phải có người lớn theo dõi, đi kèm để tránh các tình huống trẻ mắc kẹt một mình khi gặp sự cố thang máy hay đi vào buồng thang bộ mà không quay lại được.
  • Đối với khóa của buồng thang bộ thoát nạn, không được sử dụng khóa một chiều để bảo đảm người dân có thể di chuyển ngược từ buồng thang vào hành lang giữa các tầng trong tình huống nguy cấp.
  • BQL các tòa nhà cũng luôn phải kiểm tra mức độ an toàn của từng căn hộ. Bởi việc phòng ngừa bao giờ cũng rất quan trọng nhằm tránh được những rủi ro không đáng có. BQL tòa nhà phải phải có biên bản cam kết đối với từng gia đình, và phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nhắc nhở bằng nhiều hình thức như trên bảng tin, trên nhóm Zalo của cộng đồng cư dân, trên các màn hình TV quảng cáo gắn trong tháng máy để cư dân tòa nhà nâng cao nhận thức trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi sinh sống trong các căn hộ chung cư cao tầng….

©2024 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button