Nhiều người ở ‘chung cư mini’: Bán không được, ở không yên vì lo lắng phòng cháy
“Chung cư mini” là hình thức biến tướng trong xây dựng nhà ở riêng lẻ. Tâm lý “an cư lạc nghiệp”, khát khao sở hữu căn hộ ở các đô thị lớn khiến nhiều người đành chấp nhận mua hoặc thuê dài hạn với loại hình bất động sản này.
Trên các sàn giao dịch bất động sản và các trang mua bán “chung cư mini”, các lời mời chào khách mua vô cùng hấp dẫn. Với giá trên dưới 1 tỉ đồng, có ngay căn hộ vị trí ngay trung tâm thành phố, nhiều tiện ích đi kèm, không gian khép kín, sạch sẽ, bảo vệ 24/24…
Phản ánh đến đường dây nóng Báo Thanh Niên, nhiều người cho biết, bản thân đang “mắc kẹt” vì trót mua “căn hộ” tại “chung cư mini” đặc biệt là trong vấn đề PCCC sau khi thảm họa cháy xảy ra ở Hà Nội vừa qua.
Pháp lý mập mờ
Bà T.T.C, cư dân một “chung cư mini” ngay mặt đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, bản thân vô cùng bức xúc sau khi quyết định mua “căn hộ” 21m2 với giá hơn 1 tỉ đồng.
Theo thông tin đăng tải trên website sàn bất động sản, căn nhà có tổng diện tích đất 300m2 gồm 6 tầng (1 tầng hầm để xe và 5 tầng ở với tổng 60 căn hộ). Tầng 1 và lửng “căn hộ” không có gác, diện tích từ 18 – 45m2. Từ tầng 2 đến tầng 6 có gác lửng, diện tích từ 22 – 42m2.
Năm 2021, bà tìm kiếm một “căn hộ” vừa với túi tiền để cho con học gần trường. Theo hợp đồng giữa bà và chủ đầu tư, hình thức sở hữu “căn hộ” này là thuê dài hạn 50 năm. Trong thời gian đó, bà có thể chuyển nhượng hoặc cho thuê lại. Chủ đầu tư có thể cho đóng theo tiến độ, nhưng vì có sẵn tiền tích góp nên bà đã trả 100% giá trị “căn hộ” và dọn vào ở ngay.
Cũng giống bà C. ông T.M.T cũng cảm thấy khả năng tài chính của mình chỉ đủ mua một “căn hộ mini” rộng 22m2 trong tòa nhà 6 tầng ở Q.Bình Thạnh với giá hơn 1 tỉ đồng. Tuy từng nghĩ đến việc mua chung cư ở H.Bình Chánh và TP.Thủ Đức nhưng lúc bấy giờ, giá căn hộ ở khu đó rẻ nhất cũng từ 1,6 – 1,7 tỉ đồng, nếu muốn mua ông phải vay ngân hàng. Không còn ở độ tuổi lao động, tài chính eo hẹp, không thể trả nợ ngân hàng nên T. quyết định mua “chung cư mini”.
Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn luật sư TP.HCM nhận định “chung cư mini” là một hình thức biến tướng trong xây dựng nhà ở riêng lẻ. Cùng 1 thửa đất, chủ đầu tư xây dựng lên rồi phân vách, ngăn phòng, có thể bán theo hình thức lập vi bằng, đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận. Về khái niệm “chung cư mini”, hiện pháp luật Việt Nam không có quy định.
Ở TP.HCM trên các địa bàn vùng ven, cụ thể ở ở TP.Thủ Đức cũng từng xuất hiện nhiều người xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, sau đó “phù phép” ngăn phòng, kết hợp với các công ty môi giới bất động sản bán căn hộ.
Luật sư Trung chia sẻ, ngoài cách làm hợp đồng thuê dài hạn 50 năm như trường hợp của bà C. và ông T. còn có một phương án khác cũng từng xuất hiện của các chủ đầu tư là gom tất cả các người mua lại, làm cho mỗi người một cuốn sổ đồng sở hữu căn nhà cho tất cả những người mua ở đây. Tuy nhiên, đây là hình thức biến tướng, khi xảy ra tranh chấp, loại giấy tờ này không có ý nghĩa.
Trên mạng xã hội nhiều người ở Hà Nội và TP.HCM cũng đăng tin bán “chung cư mini”. Phóng viên Thanh Niên liên hệ nhiều người đăng bài bán chung cư mini trên sàn bất động sản và các trang mạng xã hội, hầu hết được trả lời là “căn hộ” có giấy chứng nhận quyền sở hữu chung.
Cụ thể, tài khoản Facebook tên Hùng Trần đăng bán “căn hộ” ở đường Xuân Thủy (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích 50m2 giá 1 tỉ đồng có thương lượng.
“Sổ hồng của “căn hộ” này chung với cả tòa nhà. Tôi nghĩ vụ cháy “chung cư mini” là sự cố không ai mong muốn, quan trọng là ý thức của mọi người. Tâm lý lo sợ, e ngại sau sự cố khiến thị trường chuyển nhượng “chung cư mini” đang có phần lắng xuống”, người này nói.
Bất an thêm bất an
Ngoài mặt pháp lý mập mờ mà Thanh Niên đã từng phân tích thì các “chung cư mini” hiện đối mặt với tình trạng PCCC mà sau sự cố cháy ở Khương Hạ (Hà Nội) nhiều người đang không khỏi thấp thỏm lo âu.
PV Thanh Niên ghi nhận “chung cư mini” bà C. đang ở chỉ có duy nhất một thang bộ rộng khoảng 80 cm, khoảng cách đủ một người di chuyển. Lối duy nhất của căn nhà này là cửa ra vào ở tầng trệt. Tòa nhà chưa có hệ thống thang máy, tầng hầm để được khoảng 80 chiếc xe máy. Từ tầng hầm lên các căn hộ không hề có một bình chữa cháy hay bất kỳ thiết bị PCCC nào.
Sau gần 2 năm nhận nhà nhưng các công trình tiện ích, hệ thống PCCC của tòa nhà vẫn chưa được đảm bảo. Bức xúc với tiến độ hoàn thiện của tòa nhà, bà C. cùng các cư dân khác cùng tìm gặp chủ đầu tư để yêu cầu thực hiện như hợp đồng ký kết nhưng không thành.
“Tôi nhiều lần không gặp được chủ đầu tư chỉ gặp được người ở văn phòng môi giới. Tôi có yêu cầu thanh lý hợp đồng nhưng vẫn không được”, người phụ nữ chia sẻ.
Bức xúc, song bà C. hiện tại không thể chuyển nhượng lại “căn hộ” này. Bà muốn chuyển đi nơi khác và tìm khách thuê lại “căn hộ” cũng không xong vì tòa nhà chưa có đủ hệ thống PCCC, hệ thống thang máy và các tiện ích đi kèm. Sau vụ cháy “chung cư mini” ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, bà C. cảm thấy nơi mình đang sống không an toàn.
“Hiện giờ, tôi không gặp được chủ của tòa nhà này, chỉ biết một người tự nhận là quản lý chuyên thu tiền điện, nước. Các ý kiến cư dân đề xuất người này trả lời không thuộc thẩm quyền của họ”, bà C. chia sẻ.
Ông T. cũng vô cùng lo lắng vì hệ thống PCCC, lối thoát hiểm ở tòa nhà ông đang sống không đảm bảo nên đang tính đến phương án chuyển nhượng. Tuy nhiên, vì chỉ cầm trong tay hợp đồng cho thuê dài hạn 50 năm từ chủ đầu tư, ông không thể thực hiện quyền sở hữu của mình với căn hộ đang sống, cụ thể là chuyển nhượng hay cho tặng.
Dù rất tích cực tìm khách để chuyển nhượng nhưng ai cũng hỏi giấy tờ pháp lý của “căn hộ” ra sao. “Nếu như trước đây, khi chưa có vụ cháy “chung cư mini” ở Hà Nội chắc tôi có thể bán cắt lỗ nhưng giờ e khó chuyển nhượng vì ngoài pháp lý, tòa nhà còn không đảm bảo các tiện ích cơ bản”, ông thở dài.
Theo Báo Thanh Niên