Phó Thủ tướng chỉ đạo nóng giải quyết khiếu kiện, tranh chấp chung cư

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa chỉ đạo các địa phương Hà Nội, TP.HCM, Bình Định, Nghệ An, Quảng Nam, Thanh Hóa, Lào Cai, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Đắk Nông có giải pháp giải quyết 13 vụ khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự được nêu trong báo cáo số 187 của Ban Dân nguyện Quốc hội.

Theo Ban Dân nguyện của Quốc hội, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo trên cả nước thời gian qua cho thấy có 13 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, trong đó có nhiều vụ liên quan tới tranh chấp đất đai, nhà chung cư.

Cụ thể, 3 vụ khiếu kiện liên quan đến nhà chung cư tiếp tục diễn biến phức tạp, như chung cư tái định cư ở 312 Lạc Long Quân (TPHCM), dự án đầu tư xây dựng khu văn phòng, nhà ở, nhà trẻ ở phố Minh Khai và dự án chung cư Goldmark City số 136 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội).

Ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, tại 3 dự án chung cư này người dân bức xúc khi chủ đầu tư có thái độ không hợp tác, không tổ chức tiếp, đối thoại với cư dân về bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và một số nội dung liên quan tới công năng của các tòa chung cư. 

Đối với lĩnh vực đất đai, có 3 vụ khiếu nại, tố cáo, đó là vụ khoảng 100 người dân mua đất của Công ty CP Bách Đại An nhưng chưa nhận được sổ đỏ đã kéo đến trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam dựng lều, căng băng rôn, khẩu hiệu đòi trả lại tiền mua đất.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết tháng 11/2021, TP Hà Nội có 845 nhà chung cư thương mại được đưa vào vận hành, thành lập 632 ban quản trị nhà chung cư, bàn giao 560 hồ sơ cho ban quản trị.

Hiện nay, những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì, mà còn nhiều vấn đề khác như chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung-riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy… Trong đó, những sai phạm về quy hoạch và xây dựng là phổ biến nhất. 

Điều đáng nói là phần lớn các dự án có tranh chấp đều đã bàn giao cho người dân vào sử dụng. Những tranh chấp bắt đầu nảy sinh khi nhiều hạng mục trong tòa nhà không được hoàn thành theo cam kết lúc mở bán, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn tự ý thay đổi thiết kế căn hộ, công năng chung của tòa nhà thành căn hộ để tăng lợi nhuận.

Thực tế trên dẫn đến khiếu kiện kéo dài giữa các bên, song các quy định pháp luật dường như chưa có chế tài cụ thể để xử lý những bất cập này, chưa kể có nơi còn dành sự “ưu ái” cho chủ đầu tư mà bỏ qua lợi ích của người dân. Đây là những bất cập cần sớm được sửa đổi để bảo đảm tính pháp lý và sự minh bạch của luật pháp.

Từ năm 2022, Bộ Xây dựng cho biết sẽ thanh tra chuyên đề diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư tại 11 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.

Cụ thể, sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các tỉnh, thành phố, nhất là các dự án có tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Theo diendandoanhnghiep


©2025 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button