Quy định của pháp luật về tăng phí dịch vụ chung cư

Những tranh cãi liên tục về vấn đề tăng phí dịch vụ chung cư của chủ đầu tư không còn mới. Vậy từ căn cứ nào, chủ đầu tư tăng phí dịch vụ? Quyền và ngĩa của cư dân ra sao?

Theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì người tiêu dùng có thể: “Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ” (khoản 3); “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”(khoản 4); “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan” (khoản 7)”.

Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 37/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 1-12-2009, hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ nhà chung cư quy định: “Giá dịch vụ nhà chung cư được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, một phần lợi nhuận định mức hợp lý để quản lý, vận hành nhà chung cư hoạt động bình thường; nhưng phải phù hợp với thực tế kinh tế xã hội của từng địa phương và thu nhập của người dân từng thời kỳ và được trên 50% các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Đối với nhà chung cư chưa thành lập được ban quản trị thì giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Trường hợp giá dịch vụ nhà chung cư đã có thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ thì thực hiện như thỏa thuận đó”.

Căn cứ theo quy định trên, nếu chủ đầu tư không được trên 50% hộ dân cư đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua mức phí dịch vụ mới bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín mà vẫn áp dụng giá phí dịch vụ mới, hoặc ngừng cung cấp dịch vụ gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng là trái quy định của pháp luật. Các hộ dân có quyền khiếu nại, tố cáo tới cơ quan có thẩm quyền, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện tại tòa án yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại.


©2024 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button