Quy trình thủ tục kiểm tra phòng cháy và chữa cháy
Hiện nay các vụ cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh đặc biệt đối với nhà ở chung cư, … xảy ra rất nhiều để lại những hậu quả đáng tiếc về tính mạng, tài sản. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy có ý nghĩa rất quan trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế, không cho nảy sinh hiểm họa cháy nổ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
1. Nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, việc kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy gồm có các nội dung như sau:
– Kiểm tra điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở, khu dân cư, hộ gia đình, phương tiện giao thông cơ giới theo quy định của nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
– Đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công thì tiến hành kiểm tra các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy như sau: Kiểm tra giấy chứng nhận thẩm định duyệt thiết kế hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của công trình thuộc danh mục quy định theo phụ lục V ban hành kèm theo nghị định 136/2020/NĐ-CP; biển chỉ dẫn thoát nạn, nội quy về phòng cháy chữa cháy; chức trách, nhiệm vụ của người được phân công làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; quy định về phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư, đơn vị thi công trong phạm vi thẩm quyền; trang bị phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu phù hợp với tính chất, đặc điểm của công trình xây dựng; việc sử dụng hệ thống, thiết bị điện, sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt;
– Việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, nhà thầu xây dựng, chủ đầu tư, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông cơ giới, chủ rừng về việc thực hiện phòng cháy và chữa cháy;
– Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy thì doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chi nhánh, cơ sở trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức; hộ kinh doanh thực hiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 41 Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
2. Thủ tục kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy được tiến hành theo hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất, cụ thể:
– Kiểm tra thường xuyên: người có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy phải xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra trước khi tổ chức thực hiện việc kiểm tra.
– Kiểm tra định kỳ, đột xuất:
+ Kiểm tra định kỳ: Để xác định việc duy trì, bảo đảm các điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy của cơ sở sau khi cơ sở được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, cơ quan Công an có thẩm quyền thực hiện chế độ kiểm tra định kỳ một năm một lần;
+ Kiểm tra đột xuất: khi phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy có dấu hiệu vi phạm điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc lợi dụng hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm phạm an ninh, trật tự bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị xử lý. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản (Mẫu số PC 10) và đề xuất cấp có thẩm quyền ký quyết định thu hồi (Mẫu PC35).
+ Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên, Cơ quan Công an và cơ quan Công an có thẩm quyền kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy phải được lập thành biên bản (Mẫu số PC 10). Khi lập biên bản kiểm tra xong mà đối tượng kiểm tra không ký biên bản thì phải có xác nhận của hai người làm chứng hoặc chính quyền địa phương.
2.1. Đối với trường hợp kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan Công an thì phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ, với nội dung thông báo về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra. Đối với cơ sở do cấp dưới quản lý khi tổ chức kiểm tra về an toàn phòng cháy và chữa cháy thì phải thông báo cho cấp quản lý cơ sở đó biết. Có thể yêu cầu cấp quản lý cơ sở được kiểm tra tham gia đoàn kiểm tra, cung cấp tài liệu, tình hình liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy trong trường hợp cần thiết và phải thồng báo kết quả kiểm tra cho cấp quản lý cơ sở biết;
Đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên, Cơ quan Công an phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra khi tiến hành kiểm tra đột xuất. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thì phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất;
Khi cơ sở được kiểm tra thì yêu cầu đối tượng được kiểm tra phải có trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra, phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền;
2.2. Đối với trường hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy
Trước khi thực hiện kiểm tra định kỳ thì cơ quan Công an đã cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho đối tượng được kiểm tra với các thông tin cơ bản về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra;
Khi thực hiện kiểm tra đột xuất phải thì cơ quan, người có thẩm quyền phải thông báo rõ lý do kiểm tra cho đối tượng được kiểm tra. Đối với người có thẩm quyền tiến hành kiểm tra là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi thực hiện công tác kiểm tra đột xuất thì phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan trực tiếp quản lý;
Đối với cơ sở được tiến hành kiểm tra thì đơn vị, cơ sở đó phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra điều kiện đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy đã được thông báo; đồng thời cơ sở đó phải sắp xếp, bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra;
3. Chủ thể có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì việc kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa với hình thức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất do các cơ quan, chủ thể có trách nhiệm có sau đây:
– Chủ hộ gia đình, chủ rừng, người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình;
– Người đứng đầu cơ sở kinh doanh mà có lĩnh vực kinh doanh thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên; báo cáo kết quả kiểm tra phải gửi về cơ quan Công an quản lý trực tiếp định kỳ 06 tháng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ (sau đây gọi là nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ); phát hiện cơ sở đã vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, san, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; tàng trữ, sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, khu dân cư thuộc phạm vi quản lý;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy; khu dân cư, hộ gia đình, rừng, phương tiện giao thông cơ giới, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong phạm vi quản lý của mình;
– Cơ quan Công an có trách nhiệm kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP định kỳ 06 tháng một lần; đối với hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy và các cơ sở còn lại thuộc danh mục quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP là định kỳ một năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hoặc vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy mà có nguy cơ phát sinh cháy, nổ hoặc phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc phạm vi quản lý; đối với công trình xây dựng thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì kiểm tra một năm một lần trong quá trình thi công.
4. Đối tượng phải kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, đối tượng kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy gồm:
- Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy;
- Khu dân cư, hộ gia đình, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, rừng, phương tiện giao thông cơ giới, hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị;
- Công trình xây dựng trong quá trình thi công thuộc danh mục được ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP tại Phụ lục V, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự;
- Cơ sở đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001 sửa đổi năm 2013
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi
- Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi và Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi do Bộ Công an ban hành.