Top 10 tòa nhà sở hữu công nghệ “xịn” nhất thế giới
Trong ngành công nghiệp xây dựng, các tòa nhà được đầu tư bởi hạ tầng công nghệ tiên tiến đã cho ra những kết quả vượt bậc, cho phép các kiến trúc sư nâng tầm trong việc phát triển vật liệu, quy trình chế tạo, tăng tính bền vững và những thiết kế mang tính tương tác con người.
Sau đây là 10 tòa nhà sở hữu công nghệ tiên tiến nhất thế giới về sự an toàn, tính bền vững và tối ưu hoá chi phí xây dựng.
1. The Edge
Được mệnh danh là tòa nhà xanh nhất, thông minh nhất thế giới, trụ sở chính mới của Deloitte tại Amsterdam đã nhận được kỉ lục bền vững hàng đầu, được trao bởi cơ quan thẩm định BREEAM của Anh.
Tòa nhà được thiết kế bởi công ty kiến trúc PLP Architecture, họ không chỉ sử dụng công nghệ để đạt được hiệu quả môi trường, mà còn tạo ra không gian làm việc có sự tương tác đồng điệu với người sử dụng.
Các tấm LED chứa khoảng 28.000 cảm biến theo dõi chuyển động, ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm, tạo ra một mạng lưới trí tuệ nhân tạo độc đáo.
Bất ngờ ở chỗ là tòa nhà chỉ có 1.000 bàn làm việc. Khái niệm về bàn làm việc nóng – chỉ sử dụng bàn làm việc khi cần thiết – tăng hiệu quả sử dụng và nâng cao năng suất. Phần còn lại của không gian dành cho công việc là những nơi dành cho những buổi họp mặt nội bộ và khu vực dành để tiếp khách.
Một ứng dụng di động được phát triển bởi Deloitte giúp kết nối người dùng và toà nhà: Hỗ trợ tìm chỗ để xe và tìm bàn làm việc miễn phí, phục vụ tốt nhu cầu của bạn về ánh sáng và nhiệt độ trong phòng.
2. Taipei 101 Tower
Được đặt tên theo số lượng tầng lầu là 101, Tháp Đài Bắc đã giữ kỉ lục là tòa nhà cao nhất thế giới trong suốt 6 năm kể từ khi hoàn thành vào năm 2004. Cấu trúc bền vững của tòa nhà đã khiến cao ốc trở thành tòa nhà xanh cao nhất thế giới.
Tòa nhà đã nhận được Chứng nhận Bạch kim LEED vào năm 2012 và có những tính năng phòng chống thiên tai tiên tiến nhất.
Đài Loan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các trận bão, điều này khiến việc xây dựng các tòa nhà cao tầng trở thành một công việc đầy khó khăn. Những cơn siêu bão đổ bộ vào vùng duyên hải Đông Á mỗi năm mang theo gió mạnh và mưa lớn đánh sập toàn bộ các tòa nhà.
Teipei 101 Building đã giải quyết tốt vấn đề này bằng van điều tiết khối lượng (TMD). Chiếc van này được biết đến là quả cầu thép nặng 730 tấn cố định bởi cáp thép, có chức năng tựa như con lắc sử dụng lực đẩy ác si mét của nước để cân bằng với chuyển động rung lắc của tòa nhà, nó được gắn trực tiếp vào tòa nhà để chống lại chuyển động khi xảy ra thiên tai.
3. Apple Campus 2
Thiết kế khu vực làm việc hình con tàu vũ trụ của Apple ở Cupertino, California đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi trong cộng đồng kiến trúc sư kể từ khi công bố những hình ảnh đầu tiên.
Kiến trúc toà nhà có hình chiếc nhẫn và bao quanh bởi các mảng cây xanh. Toà nhà được trang bị các tấm pin mặt trời làm từ nhiêu liệu sinh học low-carbon.
Khuôn viên nơi đây bao gồm trung tâm thể dục rộng 100.000 m2, cơ sở nghiên cứu và phát triển 300.000 m2, hơn 3km đường chạy thể dục cho nhân viên, bãi đỗ xe ngầm, cũng như vườn cây ăn quả, đồng cỏ và ao hồ.
Nhân viên có thể di chuyển trong khuôn viên bằng xe đạp, xe điện chơi golf và xe đón nhân viên đi làm. Tòa nhà sở hữu những tấm kính cong lớn nhất thế giới, điều này hạn chế ánh sáng chói hoàn toàn nhưng vẫn cung cấp tầm nhìn ra ngoài trời từ bất kì vị trí nào.
4. Bullitt Center
Toà nhà trung tâm Bullitt ở Seattle có một số hệ thống khiến nó trở nên độc nhất vô nhị và chứng minh vị thế là tòa nhà thương mại xanh nhất thế giới.
1/3 mái nhà được bao phủ bởi các tấm quang điện, sản sinh ra khoảng 230.000 kwh/giờ mỗi năm. Nước mưa được thu thập trong bể chứa 56.000 gallon và được tái sử dụng trong toàn bộ tòa nhà.
Nhà vệ sinh có tính năng xử lý chất thải không chứa bất kì chất độc hại nào trong 350 hóa chất phổ biến, bao gồm PVC, chì, thủy ngân và BPA.
Chất lượng không khí trong toà nhà luôn được đo chính xác theo thời gian thực, mức tiêu thụ năng lượng và sản xuất quang điện đều sẵn có để tham khảo bất cứ lúc nào. Một trong những điểm nổi bật nhất của tòa nhà là các kỹ thuật sáng tạo đều có thể nhìn thấy thông qua kiến trúc cao ốc.
5. Powerhouse Kjørbo
Công ty kiến trúc Na Uy Snohetta đã cải tạo một tòa nhà của những năm 1980 ở Bærum, ngay ngoại ô Oslo và biến nó thành công trình năng lượng tích cực (energy-positive) đầu tiên tại Na Uy và trên thế giới.
Mức tiêu thụ năng lượng của công trình trước khi được tái tạo là 650.000 kWh/năm. Sau khi được làm mới, năng lượng cần thiết cho hoạt động của tòa nhà được giảm xuống còn khoảng 100.000 kWh/năm.
Theo dự đoán, tòa nhà sẽ tạo ra đủ năng lượng trong vòng 60 năm tới cho tổng lượng điện dùng để sản xuất tất cả vật liệu xây dựng, vận hành hệ thống xử lí chất thải. Đây là điều thường bị bỏ qua khi xem xét hiệu năng của các tòa nhà hiện đại khi luôn cố gắng đạt được hiệu suất bền vững.
6. Ten Thousand
Ten Thousand Santa Monica là tòa tháp gồm 283 căn hộ cao cấp, rộng 767.240 m2 ở Los Angeles. Toà nhà có thiết kế 4 góc cạnh ấn tượng, lớp kính bên ngoài trải dài từ sàn đến trần tạo nên một mặt tiền sáng và trong suốt.
Vào tháng 3/2018, Ten Thousand đã được chứng nhận LEED Vàng bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ.
Tòa nhà đã ứng dụng công nghệ tuyệt vời để cung cấp tiện nghi hoàn hảo cho cư dân. Điển hình chính là robot chuyển phát có tên Charley được lập trình để điều hướng tòa nhà như: giao các kiện hàng, đồ ăn thức uống…
Mỗi cư dân có một iPad mini và có ứng dụng Ten Thousand. Họ có thể truy cập menu chính và chọn mặt hàng sẽ được Charley giao. Bên cạnh việc cung cấp kết nối với robot giao hàng, ứng dụng còn tích hợp hệ thống công nghệ đèn thông minh trong toàn tòa nhà giúp dự đoán nhu cầu của người dân.
Cư dân cũng có thể sử dụng hệ thống người phục vụ dựa trên ứng dụng để thanh toán cho các buổi đào tạo, đồ uống tại quầy bar, đặt phòng ăn riêng và không gian tổ chức sự kiện, đặt xe và trả tiền thuê nhà.
7. Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong
Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong là một cơ sở y tế công cộng ở Singapore sử dụng ít năng lượng hơn 38% so với một bệnh viện điển hình của Singapore và ít hơn 69% so với một bệnh viện thông thường của Hoa Kỳ.
Thiết kế này dựa trên các nguyên tắc bền vững được hỗ trợ bởi hệ thống tự động hạn chế lượng khí thải cacbon và mức điện năng tiêu thụ. Rất hiếm khi các tòa nhà kiểu này đạt được mức năng lượng thực tế bằng không.
Bệnh viện cũng là cơ sở y tế đầu tiên kết hợp chăm sóc liên tục dành cho cả những bệnh nhân đến khám chữa bệnh và đã qua cơn nguy kịch tại Singapore.
Sức khỏe của bệnh nhân là động lực hàng đẩu để cải thiện kiến trúc bệnh viện, trong đó nổi bật là hệ thống thông gió tự nhiên kết hợp thảm thực vật phủ xanh toàn bộ khuôn viên.
8. Trung tâm thương mại Bahrain World
Trung tâm thương mại thế giới Bahrain là một tòa tháp đôi cao 50 tầng nằm ở Manama, Bahrain, được gọi là tòa nhà “thông minh” đầu tiên tại quốc gia này với hệ thống CNTT thông minh tích hợp, tự hào với tính năng độc đáo – 3 tuabin gió khổng lồ gắn giữa 2 toà tháp hình cánh buồm.
Đây là toà nhà đầu tiên trên thế giới kết hợp loại công nghệ tuabin gió này. Mỗi tuabin gió cao 29 mét, được kết nối bởi cây cầu dài 30m bắc qua hai tháp. 2 tòa nhà hình cánh buồm được thiết kế để tận dụng hết công suất luồng gió lớn từ Vịnh Ba Tư đi qua các tuabin.
Điều này làm tăng đáng kể tiềm năng tạo ra điện của chúng, tương đương với việc cung cấp ánh sáng cho khoảng 300 ngôi nhà.
Sự phát triển tuabin gió cũng kết hợp việc sử dụng các hệ thống thu hồi nhiệt, máy bơm nước lạnh, hệ thống chiếu sáng huỳnh quang tiết kiệm năng lượng. Các con đường sử dụng năng lượng mặt trời và hệ thống chiếu sáng tiện nghi, cũng như các hồ phản chiếu ở lối vào giúp làm mát cục bộ.
9. IBM’s Watson IoT Headquarters
Trụ sở mới IBM tại Munich là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của công ty tại Châu Âu. Toà nhà đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, Internet of Things và Blockchain, cùng nhiều thứ khác.
Tòa nhà được thiết kế bởi Universal Design Studio, nơi hội tụ các kỹ sư phần mềm, lập trình viên, kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và khách hàng cùng làm việc.
Được phân bổ trên hơn 25 tầng, không gian cộng tác sẽ được trang bị các thiết bị IoT có chức năng cảm biến và giao diện tự động kích hoạt bằng giọng nói.
IoT có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng theo sở thích của người dùng, đồng thời phát hiện các khoảng trống cho phép tỏa nhiệt. Các phòng máy chủ được để ở chế độ công khai để hiển thị công nghệ, thúc đẩy trải nghiệm giao tiếp minh bạch và cởi mở.
10. Trung tâm Sacramento Kings’ Golden 1
Trung tâm Sacramento Kings’ Golden 1 là khu phức hợp thể thao giải trí mang tính biểu tượng quốc tế cho các giải bóng rổ đẳng cấp thế giới. Bao gồm khu bán lẻ sang trọng, không gian văn phòng công nghệ tiên tiến, dịch vụ khách sạn (thuộc tập đoàn InterContinental) và khu căn hộ sang trọng.
Nhà thi đấu được thiết kế chạy bằng năng lượng mặt trời của AECOM, cũng là nơi đầu tiên sử dụng hệ thống thông gió có thể dịch chuyển hướng không khí trong lành lên từ các lỗ thông tầng dưới chỗ ngồi.
Loại thông gió này chỉ cho phép làm mát không gian xung quanh mọi người thay vì toàn bộ tòa nhà, điều này cung cấp sự linh hoạt so với các hệ thống thông gió khác. Vì vậy, nhà thi đấu có thể duy trì nhiệt độ ổn định mọi lúc dù thời tiết nóng hay lạnh.
Đấu trường NBA đầu tiên được chứng nhận LEED Bạch kim đã hạn chế 24% lượng khí thải cacbon so với đấu trường tiền nhiệm – Sleep Train Arena.