Nỗi khổ ở chung cư: Trầm cảm vì karaoke, tiếng khoan đục từ hàng xóm

Ngày nay, việc sinh sống tại các khu chung cư là lựa chọn phổ biến của người dân tại các thành phố lớn. Tuy nhiên có một thực trạng không ít người đã và đang phải đối mặt là vấn đề tiếng ồn từ hàng xóm, thậm chí tại các khu vực chung. Ô nhiễm tiếng ồn thời gian dài dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và tinh thần. 

Sợ hãi trong chính căn nhà của mình

“Cạnh nhà tôi có một gia đình trẻ rất hay tụ tập bạn bè nhậu nhẹt. Mỗi lần tụ tập họ thường hát hò inh ỏi đến tận khuya. Chưa nói đến cuối tuần, vào những ngày giữa tuần, các con tôi cần học hành, làm bài tập về nhà, họ cũng “không tha”. Bản thân tôi đi làm cả ngày, buổi tối về chỉ mong có một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, nhưng lại bị tiếng nhạc, tiếng hát karaoke từ nhà hàng xóm tra tấn khiến tôi cảm thấy mệt mỏi và bực bội vô cùng. 

Chưa kể những hôm mùa hè nóng nực, tôi còn không dám mở cửa ban công chỉ để ngăn tiếng ồn vào nhà” – anh Anh Tuấn (cư dân một chung cư tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ. 

Vụ việc cư dân chung cư HH Linh Đàm dùng loa kéo bật nhạc đám ma để phản ứng tiếng ồn do nhiều người cao tuổi tụ tập gây ra.

Ở hoàn cảnh tương tự, chị Vân Anh hiện đang sinh sống tại chung cư Ruby City (Long Biên, Hà Nội) từng bị khủng hoảng tinh thần một thời gian dài khi nhà hàng xóm cứ tầm 9-10 giờ đêm lại bắt đầu khoan, đục, sửa chữa nhà. 

“Có một thời gian công việc của tôi gặp khó khăn. Ban ngày đi làm đã quá nhiều áp lực đè nén, tối về nghỉ ngơi lại bị tiếng ồn làm phiền, dai dẳng hết ngày này qua ngày khác. Khoảng thời gian đó, tôi cảm giác như mình đang bị tra tấn, nhiều hôm không dám về nhà, phải ngủ lại công ty dù không muốn. 

Đáng chê trách hơn là dù nhiều hộ xung quanh góp ý, nhưng hộ gia đình này không tiếp thu mà còn có thái độ thách thức hàng xóm” – chị Vân Anh bức xúc.

Mất luôn tình làng nghĩa xóm

Từng bán căn nhà 4 tầng tại mặt phố để chuyển sang sống ở chung cư với mong muốn tìm kiếm một không gian sống yên tĩnh, bà Phạm Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) giờ đây chẳng thể có cho mình một nơi an dưỡng tuổi già đúng nghĩa. Thậm chí từ một bà lão hiền lành, thân thiện, bà lại phải sống trong trạng thái “cơm chẳng lành, canh không ngọt” với một số hộ dân sống quanh. 

“Cạnh nhà tôi có rất đông trẻ con. Ban ngày cũng như đêm, lũ trẻ chạy nhảy hò hét khắp hành lang, tối đến thì cha mẹ mở nhạc inh ỏi cho chúng tập múa. Thỉnh thoảng là tiếng quát, la con học bài, rồi tiếng khóc gào của lũ trẻ khi bị cha mẹ đánh mắng… Tôi là người cao tuổi, khi nghe thấy tiếng ồn lớn là huyết áp tăng, tim đập nhanh, không ngủ được. 

Lúc đầu, tôi đã thử gặp mặt và nói chuyện nhẹ nhàng với họ nhưng chẳng có kết quả gì. Họ nói với tôi nên thông cảm cho lũ trẻ vì chúng còn nhỏ và hiếu động. Nhưng liệu ai sẽ thông cảm cho tôi?

Sự việc cứ thế kéo dài, tôi đành báo cáo Ban quản lý toà nhà, mặc cho những người kia dị nghị hay không hài lòng, bởi sức khoẻ và tinh thần của tôi đã bị ảnh hưởng quá lớn.

Thế nhưng chỉ được một thời gian, đâu lại vào đấy. Thú thực giờ tôi rất ngại chuyển đi mà ở lại thì không chịu nổi” – bà Phạm Anh kể.

Theo Lao Động


©2024 Công ty CP phần mềm và dịch vụ gia đình HomeID - Hân hạnh phục vụ

Chat Button